Trong thực tế, có rất nhiều lý do gây ra bệnh phân trắng ở tôm. Do đó, việc chuẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh để từ đó đưa ra phương án xử lý và điều trị thích hợp là quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại nhất cho người nuôi.
Chẩn đoán
– Bệnh phân trắng trên tôm thường xảy ra ở giai đoạn tôm lớn (thường trên 40 ngày tuổi).
– Dựa vào các dấu hiệu bệnh lý, ghi chép thông tin để ghi lại diễn biến của bệnh phân trắng.
– Kiểm tra quá trình thâm canh để tìm hiểu nguyên nhân. Các mầm bệnh khả nghi có thể gây ra bệnh phân trắng (đáy ao bẩn, chất lượng thức ăn kém, tảo độc…).
– Xét nghiệm vi khuẩn Vibrio và ký sinh trùng (Gregarine) trong gan và ruột tôm.
– Xét nghiệm MBV, HPV để xác định tôm có bị bệnh virus hay không, để có phương pháp điều trị kịp thời.
Điều trị
– Ngừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày; thay 30 – 50% nước (nếu tôm còn khỏe), tiến hành diệt khuẩn, diệt tảo độc trong ao nuôi bằng BKC, Iodine, H2O2, KMnO4. Chọn loại hóa chất phù hợp tình trạng ao nuôi, liều dùng tùy thuộc sức khỏe tôm.
Hỗ trợ thêm bón vôi cải thiện môi trường, bón Yucca kết hợp Zeolite và ôxy hạt, hạn chế khí độc, bón chế phẩm sinh học gây lại hệ vi sinh có lợi trong ao. Dùng CaCO3, CaMg(CO3)2, NaHCO3 tăng kiềm. Giữ ổn định pH bằng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều 5 kg phèn nhôm/1.000 m3 nước.
– Chạy quạt tăng cường ôxy nhiều nhất có thể nhằm hỗ trợ nhanh chóng phân hủy chất thải trong ao nuôi.
– Thay nước sạch đã xử lý 30 – 50% (chú ý thay chậm để không làm tôm sốc).
– Tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xiphong thì dùng chất lắng tụ rồi xiphong sạch ra ngoài. Trường hợp ao không được xiphong trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm).
– Sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều bình thường xử lý nước và đáy ao.
– Trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10 g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh); điều trị phân trắng bằng thảo dược, người nuôi có thể dùng lá trầu không, hạt cau, trâm bầu, trà xanh, đọt ổi, vỏ măng cụt, tinh tỏi… Xay nhuyễn các loại thảo dược, nấu thành nước hoặc gel…kết hợp Berberine, Carbomango, trộn vào thức ăn, liều lượng 10 – 20 ml/kg thức ăn (dạng nước), hoặc 5 – 10 g/kg thức ăn (dạng gel). Cho tôm ăn 5 ngày liên tục, 3 – 4 lần/ngày.
– Kháng sinh cũng là một biện pháp trị bệnh phân trắng trên tôm, tuy nhiên lạm dụng kháng sinh, làm tôm chậm lớn, còi cọc, khiến cho vi khuẩn dễ nhờn thuốc, giảm tác dụng khi điều trị, bà con nên hạn chế sử dụng.
– Phòng bệnh chủ động, tăng cường sức khỏe tôm góp phần hạn chế tối đa bệnh phân trắng xảy ra trong quá trình nuôi. Để điều trị phân trắng cho kết quả cao, bà con cần kết hợp xử lý vi khuẩn, ký sinh trùng, tảo độc, ổn định các thông số môi trường. Bệnh phân trắng điều trị cho kết quả cao khi ngưng không cho tôm ăn 1 – 2 ngày, điều trị khi bệnh mới bắt đầu.
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục.
Phòng bệnh
Ao nuôi cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thả giống. Đối với ao đất, toàn bộ chất cặn bã, bùn phải được loại bỏ hoàn toàn. Nước cấp vào ao nuôi cần phải được xử lý hóa chất để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
Kiểm soát Vibrio trong ao bằng cách luôn duy trì nồng độ thấp các chất hữu cơ như: Quản lý lượng thức ăn đúng nhu cầu và theo nhiệt độ nước, xiphong loại bỏ chất thải, duy trì mật độ tảo, sử dụng vi sinh phân hủy các chất hữu cơ đáy ao và nước.
Cho ăn lượng thức ăn theo nhiệt độ nước: Khi nhiệt độ nước tăng cao > 32oC, tôm thường ăn nhiều hơn nhưng thời gian thức ăn đi qua hệ thống tiêu hóa rất ngắn làm tăng lượng chất thải trong ao. Nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Do vậy, khi nhiệt độ nước tăng cao, không tăng lượng thức ăn theo cách kiểm tra nhá thông thường.
Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất. Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.
Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe của tôm như vitamin, men vi sinh và khoáng chất thiết yếu. Kiểm soát tốt các loài tảo độc, độ kiềm trong ao.
Luôn duy trì cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao bằng việc bổ sung thường xuyên vi sinh và duy trì hàm lượng ôxy thấp nhất là 3,5 – 4 ppm.
Khoa Thủy sản
Học Viện nông nghiệp Việt Nam