Với mục tiêu tìm ra mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, an toàn, hạn chế dịch bệnh, đồng thời tích hợp nhiều loài thủy hải sản trong cùng một diện tích, các nhà khoa học gồm ThS Lại Duy Phương, ThS Nguyễn Xuân Sinh, ThS Đặng Minh Dũng, ThS Phạm Thành Công - Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi kết hợp cá hói (Scatophagus argus), tôm sú (Pennaeus monodon) và cua biển (Scylla serrata)”.
Trải qua 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình nuôi kết hợp cá hói, tôm sú, cua biển góp phần tạo sự cân bằng hệ sinh thái, giúp người nuôi gia tăng giá trị lợi nhuận thu được trên cùng một diện tích.
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thực nghiệm tại cơ sở nuôi trồng thủy sản Ngọc Xuyên - Đồ Sơn (Hải Phòng) với quy mô 2 ao diện tích 1.000 m²/ao và 2 ao 2.000 m²/ao. Trước khi thả giống, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng, lấy nước, gây màu, kiểm tra các thông số như pH, BOD, COD… Khi các yếu tố môi trường nước ổn định thì tiến hành thả giống. Theo mô hình, tôm sú giống (2 cm/con) được thả nuôi với mật độ 8 con/m², cua biển giống (1 cm/con), thả nuôi với mật độ 0,5 con/m²; cá hói (6,0-8,0 cm/con) thả nuôi với mật độ 1 con/m².
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra ba mấu chốt dẫn tới sự thành công khi nuôi chung cả 3 loài, cụ thể:
- Thứ nhất, khi nuôi chung ba đối tượng tôm sú, cua biển, cá hói trong cùng một ao, cua biển đóng vai trò ăn các loại mối tanh (cá tạp, don, dắt, trai, ốc, còng, cáy), đồng thời cũng có thể ăn cả mùn bã hữu thực vật hoặc một phần thức ăn công nghiệp của tôm. Từ đó hạn chế lượng thức ăn dư thừa, ngăn ngừa sự gia tăng chất hữu cơ và hiện tượng phú dưỡng trong ao.
- Thứ hai, cá hói sẽ đóng vai trò như “công nhân vệ sinh” ăn tổng hợp những loại mùn bã hữu cơ ở đáy ao, các loại côn trùng, giáp xác nhị, thậm chí ăn phân của những động vật khác, qua đó góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước dưới đáy ao.
- Thứ ba, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được loại thức ăn phù hợp cho cá hói, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng “thủy triều đỏ”, đó là rong và tảo. Do vậy sẽ giảm được nguy cơ tảo bùng phát làm biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt là vào mùa nắng nóng khi quá trình quang hợp của tảo diễn ra mạnh…
Sau thời gian thực nghiệm, đề tài mang lại nhiều kết quả khả quan:
- Sau 5 tháng, sản lượng tôm đạt 1,2 tấn/ha, chiều dài cá thể đạt 17,2 cm/con; khối lượng trung bình là 36,5 g/con; tỷ lệ sống đạt 44,8%; năng suất đạt 1,29 tấn/ha/vụ
- Sau 5 tháng, cua biển có chiều dài cua đạt 12,2 cm/con; khối lượng 335,5 g/con; tỷ lệ sống đạt 32,7% và năng suất đạt 0,56 tấn/ha/vụ.
- Với cá hói, sau 8 tháng nuôi chiều dài 17,5 cm/con; khối lượng 239,2 g/con; tỷ lệ sống 66,3%; năng suất đạt 1,58 tấn/ha/vụ.
So sánh trọng lượng của 3 loài với các ao nuôi trên thị trường hiện nay cho thấy, tôm sú, cua biển và cá hói lần lượt có trọng lượng gấp 1,1, 1,4 và 2,1 lần.
Trong phạm vi đề tài, lợi nhuận trung bình đạt 378.220.000 đồng/ha. Đặc biệt là tỷ lệ sống của cá, tôm và cua đều ở mức cao nhờ môi trường nuôi luôn ổn định.
Mô hình nuôi kết hợp tôm sú, cua biển, cá hói rất thích hợp với các ao đất vùng triều trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, phương tiện thiết bị kiểm tra hạn chế. Với phương thức nuôi kết hợp như mô hình này khả năng rủi ro cho bà con nuôi trồng thủy sản ở ao đất vùng triều là thấp nhất. Kết quả của đề tài mang lại nhiều giá trị tích cực về kinh tế xã hội và môi trường.