[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Hiện nay, phân trắng đang là bệnh phổ biến và thường xuyên bắt gặp từ thời điểm 50 ngày trở đi. Mặc dù bệnh không gây chết tôm hàng loạt trong thời gian ngắn, tuy nhiên, nếu không phòng trị bênh kịp thời tôm mắc bệnh mạn tính rất khó chữa gây tôm còi cọc, yếu có thể gây chết vài trăm con/ngày, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Nguyên nhân gây bệnh:
– Virus: đã phát hiện sự có mặt của virus HPV trên các mẫu tôm bệnh
– Tảo độc: Khi tôm ăn phải tảo độc các chất độc này sẽ phá vỡ tế bào ngoài của thành ruột và manh tràng của tôm gây nên các vết viêm tấy nặng và có thể ảnh hưởng đến khối gan tuỵ của tôm.
– Do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP): Vi bào tử trùng kí sinh trên gan tụy của tôm và có thể gây ra bệnh phân trắng.
– Ký sinh trùng Gregarine bám vào thành ruột của tôm, gây tổn thương ruột dẫn đến hiện tượng phân trắng.
Triệu chứng bệnh tích:
+ Triệu chứng ban đầu dễ thấy nhất là trong ao nuôi có xuất hiện những đoạn phân trắng nổi trên mặt nước, phân tôm có màu trắng đục.
+ Đường ruột của tôm thấy bị đứt quãng hoặc trống rỗng, có những chấm màu vàng nhạt và khi bóp nhẹ thấy phân tôm có thể di chuyển lên xuống trong ống ruột của tôm.
+ Gan tụy chuyển màu lợt, mềm nhũn; ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc trắng
Phòng và trị bệnh phân trắng
Phòng bệnh
– Con giống trước khi đưa vào nuôi phải được kiểm tra kỹ không mang mầm bệnh, con giống khỏe
– Nuôi mật độ vừa phải, từ 20 – 25 con/m2.
– Cải tạo ao nuôi thật kỹ, đúng quy trình và phải có thời gian phơi đáy trên 10 ngày. Định kì khử trùng nước.
– Ðịnh kỳ tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng Vitamin C và bổ sung men tiêu hoá vào trong thức ăn tôm để tăng cường khả năng tiêu hoá cho tôm.
– Thường xuyên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước trong quá trình nuôi.
Trị bệnh
Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh quá mức dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc không có tác dụng cao trong quá trình điều trị, nhằm thay thế việc sử dụng kháng sinh trong quá trình phòng trị bệnh phân trắng trên tôm, trên đây là một số thảo dược giúp phòng trị bệnh:
+ Sử dụng cây phèn đen (1 kg lá, rễ và thân) kết hợp với cây cỏ lào (1kg lá chưa ra hoa giúp hiệu quả cao hơn) xay nhuyễn, cho vào 10 lít nước sau đó đung sôi để nguội rồi vắt nước. 1 lít thảo dược trộn cho 30 – 100kg thức ăn.
+ Sử dụng lá bàng, cây phân xanh pha theo tỉ lệ tương tự như sử dụng cây phèn đen. Các thảo dược được bảo quản bằng cồn 70% pha với tỉ lệ 8 lít dược liệu + 2 lít cồn.
+ Ngoài ra, có thể sử dụng một số sản phẩm kháng sinh thực vật hiện có trên thị trường, hỗ trợ tăng sức đề kháng, cải thiện hệ tiêu hoá đường ruột giúp tôm hồi phục nhanh do tác động của độc tố và bệnh.
Ngọc Anh (http://nguoinuoitom.vn/)