Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam, việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch gây khó khăn trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ, hầu hết các nhà máy chế biến đều buộc phải giảm công suất đẩy nhu cầu mua nguyên liệu giảm nên hiện nay giá tôm ở những địa phương trọng điểm dịch giảm mạnh đến 20.000 đồng/kg so với trước, các vùng còn lại giảm nhẹ hơn, khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại vùng nuôi tôm, một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi gặp khó khăn, gián đoạn lịch thả giống. Mùa xuất khẩu tôm của Việt Nam lại thường tập trung vào giữa quý III và sang quý IV. Đây là giai đoạn cần số lượng lớn tôm phải thả nuôi ở thời điểm hiện tại, nhưng đang bị trì hoãn thả giống do dịch.
Hiện nay, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tiến hành mở rộng thiết lập vùng xanh. Đặc biệt là thủ phủ tôm Sóc Trăng Đặc thiết lập được 45 xã, phường, thị trấn vùng xanh để áp dụng trạng thái "bình thường mới". Các vùng còn lại là vàng (nguy cơ, 28), cam (nguy cơ cao, 27) và đỏ (nguy cơ rất cao, 9 xã, phường, thị trấn). Tỉnh Sóc Trăng không còn kéo dài Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp không còn thực hiện "3 tại chỗ, lao động trong TP Sóc Trăng có thể tự đi làm nên tăng người tăng sản xuất, giá tôm sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.
Trên thị trường xuất khẩu, các chuyên gia dự báo nhu cầu tôm tăng cao đẩy giá lên do thiếu hụt nguồn cung từ các nước xuất khẩu chủ lực như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.
Sau khi phối hợp thực hiện tốt nhiều biện pháp để ổn định hoạt động sản xuất, ngành tôm sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm trong những tháng tiếp theo. Dự báo quý IV sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng, giá tiêu thụ sẽ tăng khá mạnh, nhất là tôm cỡ lớn.