Nhóm nghiên cứu của kỹ sư Huỳnh Đức Long ở Trung tâm Công nghệ môi trường (Đà Nẵng), thuộc Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tìm kiếm giải pháp xử lý ô nhiễm chất thải hữu cơ trong nuôi trồng và khai thác thủy sản bằng chế phẩm sử dụng chủng vi sinh vật có phổ rộng hoạt tính.
Theo đó, trải qua một loạt công đoạn từ tuyển chọn cho đến nhân giống cấp 1 và nhân giống cấp 2, nhóm nghiên cứu đã tìm ra 3 loại vi khuẩn phù hợp: chủng Bacillus subtilis AN1.3; chủng Bacillus amyloliquefaciens TB10; chủng Sphingobacterium mizutaii B8. Các chủng vi khuẩn này sinh trưởng ở nhiệt độ từ 15 - 400C, có khả năng sinh tổng hợp mạnh các enzym ngoại bào như xenlulaza, amylaza, proteaza cao - giúp thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước và trong bùn đáy.
Nhóm nghiên cứu thu thập mẫu và phân tích tại phòng thí nghiệm. Ảnh: VAST
Bên cạnh vi khuẩn, một thành phần khác không kém phần quan trọng trong chế phẩm vi sinh xử lý nước thải là chất mang - thành phần cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất, đồng thời làm giá thể để các vi sinh vật bám vào. Việc lựa chọn chất mang rất quan trọng bởi chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng chế phẩm. Kỹ sư Huỳnh Đức Long và các cộng sự đã tìm ra công thức phối trộn chất mang tối ưu: 10% cám gạo, 10% vỏ trấu, 40% than bùn và 40% diatomit. Sau khi trộn đều các chất mang và sấy khô ở 1300C, nhóm nghiên cứu đã bổ sung thêm 10% dịch giống cấp 2 của ba chủng vi khuẩn trên và ép thành viên nén.
Quá trình thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả xử lý ô nhiễm của chế phẩm: sau 63 ngày theo dõi trong phòng thí nghiệm (thử nghiệm với mẫu nước lấy từ âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng), chế phẩm có khả năng cải thiện chất lượng nước rõ rệt so với trước khi xử lý, các chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hóa học), BOD (nhu cầu ôxy sinh học) - hai tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ ô nhiễm nước và NH4+ ở mẫu nước xử lý đều đạt quy chuẩn chất lượng nước QCVN 08:2015/BTNMT.
Ngọc Ngọc
(Thủy sản Việt Nam)
(Thủy sản Việt Nam)