Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu

Hiện nay nhiều vùng nuôi ở ÐBSCL và TP Cần Thơ cá tra tới lứa thu hoạch nhưng doanh nghiệp, đơn vị chế biến xuất khẩu hạn chế thu mua. Nguyên nhân do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên việc di chuyển, thu hoạch, thu mua gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khiến nhiều hộ nuôi cá tra có nguy cơ thua lỗ và đang cần sự hỗ trợ, tháo gỡ từ ngành chức năng.

Nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Nhiều khó khăn

Trong tháng 8-2021, thành phố có diện tích thả nuôi thủy sản là 2.004ha, trong đó diện tích thả nuôi cá tra là 13ha. Nâng diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay 5.468ha, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó diện tích thả nuôi cá tra 576ha, đạt 78,26% so với kế hoạch năm. Ðến nay, diện tích thủy sản đã thu hoạch 1.942ha với sản lượng 112.938 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch, riêng sản lượng cá tra thu hoạch 93.691 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ

năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, do thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, việc thu hoạch tiêu thụ thủy sản có sản lượng lớn như cá tra gặp khó khăn, tồn đọng tại Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết, đang tồn cá tra quá lứa với trên 3.000 tấn chưa thu hoạch. Nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ đang tạm ngừng sản xuất, không thu mua cá tra nguyên liệu do không đáp ứng được yêu cầu về phương án hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Thốt Nốt có tổng diện tích nuôi thủy sản từ đầu năm đến nay là 400,48ha, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 16,3ha, đạt 97,68% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt 353,7ha, cao hơn cùng kỳ 16,3ha; diện tích ương cá tra giống 28,6ha. Tổng sản lượng cá nuôi được thu hoạch là 49.534 tấn, đạt gần 60% so với kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 8.797 tấn. Trong đó, cá tra có sản lượng thu hoạch cao với 48.360 tấn, tăng 8.996 tấn so với cùng kỳ, với của 71 cơ sở nuôi được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo mô hình VietGAP, BAP, ASC… Tuy nhiên, hiện cá tra đến lứa thu hoạch nhưng còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của từng thời điểm, do đó hộ nuôi không thu được lợi nhuận. Hiện giá cá tra nguyên liệu tại quận Thốt Nốt dao động từ 21.500-22.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 3.000-4.000 đồng/kg. Nhưng, với mức giá này người nuôi vẫn bị thua lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg, do giá thành nuôi cá tra cao từ 22.000-23.000 đồng/kg; đồng thời, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chế biến hạn chế thu mua cá, nhiều diện tích cá tra với hàng ngàn tấn đến lứa thu hoạch nhưng chưa có đơn vị thu mua…

Hỗ trợ người nuôi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2021 là thời điểm cả nước, đặc biệt là vùng ÐBSCL rơi vào tình trạng dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Các địa phương tập trung phòng, chống và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc sản xuất và xuất khẩu thủy sản chịu tác động rất lớn. Cụ thể, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 588 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mặt hàng thủy sản chủ lực cá tra, tôm… sụt giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 7-2021, xuất khẩu ngành hàng cá tra trong tháng 8 giảm đến 31%...

Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu muốn khôi phục sản xuất, tăng sản lượng chế biến để đáp ứng các đơn hàng những tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp gọi công nhân đã tạm nghỉ việc quay trở lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, việc hoạt động sản xuất, thu mua cá tra nguyên liệu vẫn cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, chỉ đạo mới của Trung ương là ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu, người chăn nuôi và thu hoạch cá. Do đó, người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển, thu hoạch cá tra để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch này đến 40-50 người nên cần phải tiêm vaccine phòng ngừa. Những tháng cuối năm 2021, TP Cần Thơ tăng cường quan trắc môi trường nước nhằm cảnh báo ô nhiễm và thông tin chất lượng nguồn nước nuôi trồng thủy sản cho người dân; hỗ trợ kỹ thuật nuôi, thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận vùng nuôi đối với diện tích nuôi cá tra thương phẩm; tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Theo nhận định của các chuyên gia, việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra sau thời gian giãn cách xã hội là hết sức khó khăn khi chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi, trong khi số doanh nghiệp còn lại (khoảng 60-70%) gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Ðiều này, khiến xuất khẩu thủy sản ở ÐBSCL và cả nước những tháng cuối năm nay được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.

Ngày 9-9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của các nước cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn. Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép...

Theo VASEP, với chủ trương hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, doanh nghiệp ngành thủy sản hy vọng sẽ có hỗ trợ để nối lại chuỗi cung ứng và hồi phục dần dần sản xuất, xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 hằng năm là thời điểm nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu thường tăng cao...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

ĐỐI TÁC


@ 2021 Copyright © EFF. All rights reserved

Đang online: 12  |   Tổng truy cập: 56906
Gọi ngay
SMS